Mỳ ăn liền rẻ tiền, tiện dụng, giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian... nhưng loại thức ăn này lại không lợi mấy về mặt sức khỏe.
Lý do là vì mỳ ăn liền nghèo giá trị dinh dưỡng nhưng lại giàu các chất phụ gia và các chất bảo quản, dầu mỡ...
Mỳ ăn liền chính là mỳ sợi đã được sấy khô và được “tẩm quất” với cơ man nào là dầu mỡ. Chính mỳ ăn liền đã từng bị chỉ trích vì chứa rất nhiều carbonhydrates, ít chất xơ, các vitamin và khoáng chất; không tốt cho sức khỏe do chứa nhiều chất béo bão hòa, chất béo trans, calo, bột ngọt...
Vì thế không nên ngày nào cũng ăn mỳ ăn liền. Để trục xuất những “kẻ phá bĩnh” có trong mỳ ăn liền thì cần một khoảng thời gian từ 4 - 5 ngày, nhất là những chất bao ở cọng mỳ.
Nhưng để giảm thiểu sự hiện diện của những chất bao cọng mỳ vốn hại nhiều hơn lợi này thì cần phải dùng đến những kỹ thuật cá nhân sau đây:
- Đun sôi cọng mỳ trong nồi nước chứ không nên đổ nước sôi vào tô rồi ăn ngay.
- Khi cọng mỳ chín, bỏ vào rổ cho ráo nước, xóc rổ 3 hoặc 4 lần trước khi sử dụng.
- Đun một nồi nước sôi khác bỏ mỳ đã chín vào, tắt lửa rồi sau đó bỏ gói bột nêm vào trước khi ăn.
Với những kỹ thuật này thì chắc chắn là phải mất nhiều thao tác và thời gian chứ không thể ăn... liền nhưng bù lại, chúng ta có thể yên tâm hơn khi thưởng thức tô mỳ.
Theo Người Lao Động