Đó là so sánh vitamin thiên nhiên với vitamin hóa học tổng hợp. Cơ thể người và động vật không tổng hợp được vitamin. Tất cả các vitamin đều được tạo thành trong cơ thể thực vật. Ngay đối với vitamin A và D tuy thực vật không trực tiếp sản xuất ra, nhưng chúng lại tạo nên tiền chất (provitamin) A, D. Con người tiếp thu vitamin từ thiên nhiên qua con đường ăn uống lương thực, thực phẩm là rất an toàn, được điều hòa tốt đẹp.
Thế mạnh vitamin “hàng xịn”Người khỏe mạnh bình thường, ăn uống cân đối và đa dạng thì nhu cầu cơ thể được thỏa mãn về các chất dinh dưỡng nói chung, vitamin nói riêng. Việc điều hành vitamin thiên nhiên trong cơ thể là hài hòa. Dù ăn nhiều thức ăn giàu vitamin thế nào chăng nữa cũng không bao giờ bị bệnh thừa vitamin. Còn đưa vitamin hóa học tổng hợp vào cơ thể dưới dạng thuốc tiêm hoặc uống thì hãy coi chừng! Nếu không thận trọng tính toán cho thỏa đáng, dùng quá liều sẽ mắc bệnh thừa vitamin cũng gây những tác hại cho cơ thể.
Rau tươi quả chín chứa nhiều vitamin C giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Nhiều vitamin thiên nhiên có trong thực phẩm giữ vai trò đặc biệt chống ôxy hóa, hữu ích với cơ thể chúng ta. Nói theo ngôn ngữ thị trường thì các vitamin thiên nhiên là “hàng xịn”, hàng chính hãng. Còn các vitamin tổng hợp hóa học tuy không phải là hàng giả, nhưng là “hàng nhái” không phải “hàng xịn”, bởi cấu trúc hóa học có chút ít khác nhau. Thí dụ, vitamin E (còn gọi là tocopherol) thiên nhiên có trong đậu nành, đỗ xanh, rau xà lách, lạc, ngô, lúa mỳ... đặc biệt có rất nhiều ở mầm của các loại hạt: giá đỗ xanh, đậu nành, mầm hạt ngô... Có 4 loại tocopherol là alpha, beta, gamma và delta. Nhưng vitamin E thiên nhiên là một đồng phân duy nhất của d – alpha tocopherol, là dạng chính, tồn tại trong cơ thể có tác dụng cao nhất; các loại khác (tổng hợp) có hoạt tính thấp hơn. Nghiên cứu của TS. Robert Acuff (Mỹ) thì phát hiện thấy vitamin E thiên nhiên hấp thụ vào máu và mô nhiều gấp 2 lần dạng tổng hợp. Vì những lý do đó, Hội đồng nghiên cứu quốc gia Mỹ lấy nó làm tiêu chuẩn và dùng đơn vị quốc tế IU để đánh giá các hoạt tính của vitamin E trong các chế phẩm thương mại trên thị trường. Muốn đạt được hiệu quả mong muốn thì khi sử dụng vitamin E tổng hợp phải uống tăng liều gấp 1,4 lần so với loại thiên nhiên.
Beta caroten (có nhiều trong gấc, cà rốt, cà chua, rau ngót, rau đay, bí ngô, dưa hấu và các quả có màu vàng cam) là tiền chất vitamin A, khi ăn vào cơ thể được chuyển thành vitamin A. Ngoài tác dụng như vitamin A, nó không hề gây độc do dùng quá liều như vitamin A. Và điều đặc biệt là nó khử các gốc tự do (một chất có hại cho cơ thể) tốt hơn gấp nhiều lần vitamin A. Ngoài ra, nó còn giúp cho vitamin C không bị ôxy hóa, nhờ đó vitamin C phát huy được tác dụng tốt hơn.
Vitamin C có phổ biến rộng rãi trong rau tươi, quả chín. Nó tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa quan trọng trong cơ thể. Chuyển hóa vitamin C có liên quan với nhiều vitamin khác, nó cũng bảo vệ vitamin E tránh sự ôxy hóa. Vitamin C giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì sức đề kháng của cơ thể – khi thiếu nó, nhiều phản ứng miễn dịch sinh học của cơ thể giảm xuống. Vitamin C rất hiệu quả trong việc khử gốc tự do. Ưu điểm nổi bật là vitamin C chứa trong rau quả ở dạng phức hợp với các pectin và flavonoid là những hợp chất vừa có tác dụng bảo vệ, vừa ổn định được hoạt tính của vitamin C. Trong phức hợp với pectin do có khối lượng phân tử cao nên vitamin C được thải trừ qua nước tiểu chậm (sau khi ăn uống 12 giờ chỉ thải bằng 1/7 vitamin C tổng hợp). Mặt khác, do sự có mặt của flavonoid trong rau quả nên vitamin C được cơ thể dự trữ lâu nhất là ở tuyến thượng thận. Các nhà khoa học Canada, trong một nghiên cứu đã nhận xét: Uống 100mg vitamin C tổng hợp mỗi ngày không ngăn chặn được ung thư dạ dày; nhưng chỉ uống 100g nước cam (có chừng 40mg vitamin C) lại có thể tránh được nguy cơ ung thư dạ dày hiệu quả hơn nhiều.
Vitamin hóa học tổng hợp cũng cần
Các nhà dinh dưỡng học Mỹ cho rằng, hầu hết những người trưởng thành không cần đến các vitamin từ các nguồn bổ sung khác ngoài việc ăn uống. Hội đồng nghiên cứu quốc gia Mỹ đã khuyên mọi người nên ăn theo một chế độ ăn đã được cân nhắc cẩn thận, vì như vậy họ sẽ có thể nhận được những lượng vitamin và chất khoáng cần thiết hàng ngày.
Vitamin “hàng nhái” (viên thuốc, ống thuốc) cũng cần nhưng nên dùng cho người ốm yếu, thiếu ăn hoặc không ăn uống được mấy. Vả chăng, uống “thuốc bổ” vitamin mà không có thức ăn thì cũng lãng phí nhiều. Muốn hấp thụ được tốt thì nhóm vitamin tan trong chất béo (vitamin A, D, E, K) khi vào đến dạ dày phải được hòa tan trong các chất béo của thức ăn. Và dưới tác động của acid mật được thấm vào gan theo đường bạch huyết và sau đó được hấp thụ vào máu, một phần được hấp thụ ở ruột non. Acid mật vừa tạo điều kiện cho các vitamin này được hấp thụ tốt, vừa bảo vệ ngăn cản quá trình ôxy hóa những vitamin đó trong ruột. Quá trình tiết acid mật từ gan vào ruột xảy ra rất mạnh sau khi thức ăn vào dạ dày. Bởi vậy, dù có uống viên “thuốc” vitamin cũng phải gắn bó nó trong bối cảnh ăn uống (uống trong khi ăn hoặc ngay sau khi ăn) thì cơ thể hấp thụ mới tốt.
Còn các vitamin tan trong nước (B1, B2, B6, PP, C...) khi ta uống nó dưới dạng những viên thuốc, nó thấm qua màng của thành ruột non để được hấp thụ vào máu, song khả năng hấp thụ không cao. Vì khi trong ruột chưa có thức ăn, các vitamin này dễ bị phân hủy bởi tác động của một số enzym đặc hiệu và thải ra một phần theo phân. Nhưng các vitamin đó nếu lẫn trong thức ăn thì khả năng bị phân hủy giảm đi rất nhiều. Nó sẽ được giữ lại lâu hơn, đủ thời gian để được hấp thụ tối đa vào máu. Bên cạnh đó, còn phải nói đến vai trò của các ion muối khoáng (Ca++, Mg++...) có trong thức ăn có tác dụng kích thích quá trình hấp thụ một số vitamin – thí dụ B12.
Qua những dẫn liệu nói trên, các vitamin thiên nhiên mới chính là thuốc tốt. Trong ăn uống hãy lựa chọn thực phẩm giàu vitamin. Tận thu vitamin có sẵn trong thức ăn là an toàn, đúng đắn và kinh tế nhất.
BS. Vũ Hướng Văn
(suckhoe&doisong)