Lạm dụng vitamine có thể khiến trẻ bị các tác dụng phụ như: biếng ăn, co giật, sỏi thận, chậm phát triển chiều cao, thậm chí kém thông minh.
Không được xếp vào các loại thuốc phải được bác sĩ (BS) kê đơn, giá lại rẻ nên người tiêu dùng vẫn mua uống một cách dễ dàng các vitamine có bán trên thị trường. Theo các BS, hiện chất lượng cuộc sống khá đầy đủ, trẻ bình thường không cần phải bồi bổ nhiều vitamine; trừ những trẻ bị suy dinh dưỡng, còi cọc, mắc bệnh kéo dài… được BS tư vấn. Lạm dụng vitamine có thể khiến trẻ bị các tác dụng phụ như: biếng ăn, co giật, sỏi thận, chậm phát triển chiều cao, thậm chí kém thông minh.
Co giật vì vitamine D
Bệnh viện (BV) Nhi Đồng I TP.HCM từng tiếp nhận một bệnh nhi bị co giật do người thân cho uống vitamine D đều đặn. Khi nhập viện, bệnh nhi có biểu hiện giống như mắc bệnh viêm não, viêm màng não. Sau khi kiểm tra kỹ, các BS mới biết chính xác do bé được “nhồi nhét” nhiều vitamine D để tăng chiều cao, giúp xương rắn chắc. BS Bạch Văn Cam - cố vấn khối Hồi sức cấp cứu, BV Nhi Đồng I, cho biết: “Hiện nhiều bà mẹ thường tìm mua thuốc bổ, vitamine D để giúp con tăng chiều cao. Ở nước nhiệt đới như Việt Nam, trẻ thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đây chính là nguồn vitamine D vô tận, không sợ trẻ thiếu vitamine D. Ngược lại, nếu dùng quá nhiều loại vitamine này, việc tích tụ trong cơ thể, có khi khiến trẻ biếng ăn, co giật”.
Việc bổ sung vitamine cho trẻ cần được BS tư vấn
Cũng liên quan đến vấn đề ăn uống do cơ thể thiếu hoặc thừa vitamine, mỗi năm, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM phải điều trị cho khoảng 125.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng, rối loạn ăn uống, béo phì, biếng ăn.
Ngày 2/10, dạo quanh thị trường thuốc, chúng tôi ghi nhận có đến hàng trăm loại vitamine, từ các loại vitamine đơn đến các loại vitamine phối hợp, giá cả đủ loại. Ví dụ, một chai vitamine B1 50mg (100 viên) do Việt Nam sản xuất chỉ có giá 3.900đ, thuốc ngoại đến 28.000đ. Thậm chí, cùng một loại vitamine nhưng tên gọi lại khác nhau, khiến người tiêu dùng mù tịt, không biết công dụng đầy đủ của từng loại. Cụ thể, cũng là loại vitamine B1 (theo tên gọi của quốc tế, Việt Nam) nhưng một số nước lại có cách gọi khác, dù đã nhập sản phẩm này vào Việt Nam như: Alivio, Mutsutamin, Abery, Actamin, Metabolin, Kirin B1 (Nhật Bản); Betar (Ý), Biamine, Beatine, Thiamol (Mỹ); Vitantial (Pháp); hoặc vitamine G được gọi là Berivine (Bỉ), Aqua-Flave (Mỹ). Một dược sĩ chuyên kinh doanh dược phẩm cho biết, chỉ với các loại vitamine đơn, tính theo chữ cái A, B, C, D… đã có vài chục loại, chưa kể còn phân nhánh theo loại B1, B2, B3… hay B12a, B12b, Bc, Bx… và hàng trăm loại vitamine được viết theo tên gọi sản phẩm. Còn các loại vitamine phối hợp thì muôn hình vạn trạng như: dầu cá (A+D), dầu gấc (E+A)…; chưa kể những sản phẩm “xách tay” về Việt Nam.
Chỉ cần ăn đa dạng thực phẩm
BS Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM khuyến cáo, nếu lạm dụng vitamine sẽ khiến việc chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong cơ thể bị xáo trộn. Cha mẹ cho trẻ nhũ nhi uống quá nhiều vitamine D, ngoài việc gây biếng ăn khiến trẻ bị thiếu các chất dinh dưỡng còn có thể làm xương bị cốt hóa sớm, ảnh hưởng đến phát triển chiều cao của trẻ. Nếu các khớp xương sọ liền sớm, kích thước sọ của trẻ sẽ “eo hẹp” khiến quá trình tăng trưởng thể tích bộ não bên trong cũng bị hạn chế. Với vitamine A, nếu sử dụng quá liều sẽ gây ra tình trạng áp lực cho nội sọ, trẻ thường nôn ói, thóp phồng, phá hủy hồng cầu gây thiếu máu. Trẻ con uống nhiều vitamine C cũng gây toan hóa nước tiểu, làm ứ đọng canxi gây sỏi thận. Do đó, cha mẹ không được cho con uống vitamine tùy tiện, đừng nghĩ "không bổ ngang cũng bổ dọc".
Trẻ dưới sáu tháng tuổi, bú sữa mẹ hoàn toàn đã được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Với trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi, hằng năm đã được ngành y tế có chiến dịch uống bổ sung vitamine A liều cao để phòng ngừa các bệnh khô mắt và nhiễm trùng đường hô hấp, tiêu hóa. Nếu có chế độ ăn đa dạng thực phẩm, đủ bốn nhóm dưỡng chất (chất đạm, chất béo, chất bột đường, rau củ quả), mỗi ngày sử dụng từ 15 - 20 loại thực phẩm khác nhau, cơ thể sẽ được cung cấp đầy đủ các loại vitamine. Vitamine tự nhiên có trong thực phẩm luôn tốt hơn cho cơ thể so với các loại vitamine là dược phẩm tổng hợp.
Theo BS Cam, các bữa ăn hiện nay gần như đã cung cấp cho trẻ đầy đủ dưỡng chất, các vitamine đã cung cấp qua thức ăn, do đó, trẻ bình thường không cần phải bổ sung thuốc bổ, vitamine; trừ những trẻ mắc bệnh kéo dài, suy dinh dưỡng, kém hấp thu, gầy còm, thiếu cân, chán ăn… được BS tư vấn. Nhiều bà mẹ lại chỉ chú ý đến việc bổ sung vitamine mà không quan tâm đến chất đạm, chất béo. Nếu chỉ uống mỗi vitamine là không đủ, vì vitamine chỉ là công cụ hỗ trợ cho việc chuyển hóa năng lượng tốt hơn, kích thích trẻ ăn. Do đó, muốn trẻ tăng cân, mau phục hồi sức khỏe, cần phải cung cấp chế độ dinh dưỡng đủ năng lượng cho trẻ.
Xuân Trí
Vai trò của vitamine là giúp chuyển hóa các dưỡng chất đi nuôi cơ thể, tham gia cấu tạo tế bào, hình thành các nội tiết tố, tăng cường sức đề kháng. Vitamine chia thành hai nhóm: nhóm tan trong dầu gồm: vitamine A, D, E, K và nhóm tan trong nước là vitamine B, C. Nếu muốn bổ sung vitamine A, tiền vitamine A (betacaroten) - tốt cho mắt - cần ăn các loại rau củ quả có màu vàng, xanh đậm như: bí đỏ, cà rốt, cà chua, cam, táo, rau đay, mồng tơi hoặc các sản phẩm từ động vật như: thịt, cá, trứng, gan, sữa, bơ. Vitamine B9, B12 để tạo máu tốt có trong rau màu xanh đậm như: rau ngót, đay, mồng tơi và các loại mầm, ngũ cốc: ngô, gạo lức… Riêng B12 chỉ có trong thịt đỏ: thịt heo, thịt bò. Vitamine C tốt cho răng nướu, khớp, bệnh tim, có trong các loại trái cây chua như: cam, dâu, thơm…
(PNO)